Đặc điểm Ngựa bạch Việt Nam

Di truyền

Ngựa bạch xuất hiện là do sự đột biến của nguồn gen, do đột biến kiểu gen EDNRB quy định màu lông trắng giữa ngựa bạch và ngựa bạch tạng ở khu vực miền núi Đông Bắc Việt Nam[5]. Đây chính là sự kết hợp của hai nguồn gen bệnh vốn có của loài ngựa để ra loại hình ngựa bạch, ngựa bạch là con ngựa bệnh tương tự như con người bị bệnh bạch tạng. Tỷ lệ ngựa bạch so với các thứ ngựa khác chỉ chiếm 1/100, khoảng 100 cá thể ngựa đực cái thì mới sinh ra một con ngựa bạch. Trong thực tế các con ngựa bạch đều không khỏe và rất hay chết yểu[6], trong một quần thể ngựa bao giờ ngựa trắng các loại cũng ít hơn các loại ngựa màu sắc khác.

Ở một số vùng núi hẻo lánh, nơi có đường sá giao thông không thuận lợi việc giao lưu chưa được rộng rãi, nên tỷ lệ ngựa màu trắng có thể cao hơn, đó có thể là do nguyên nhân giao phối cận huyết lâu dài của một quần thể ít được chọn lọc. Tại Việt Nam, phương thức chăn nuôi thả rông ở các tỉnh miền núi mang tính phổ biến, còn ở các tỉnh trung du chăn dắt là phổ biến. Do việc phối giống tự nhiên là hoàn toàn ngẫu nhiên và không có sự tác động kiểm soát của con người dẫn đến mức độ cận huyết cao. Riêng ngựa cái bạch là được theo dõi và phối giống có chọn lọc với những đực bạch giống tốt, nhưng chỉ ở các Trung tâm nghiên cứu, việc quản lý đực giống và ghép đôi giao phối được kiểm soát chặt chẽ mới khống chế được yếu tố cận huyết.

Thể vóc

Bài chi tiết: Màu lông ngựa
Ngựa bạch Việt Nam
Cận cảnh một con ngựa bạch Việt Nam

Ngựa bạch có tầm vóc nhỏ, con trưởng thành chỉ nặng khoảng 150–180 kg. Chúng chỉ còn tồn tại ở những nông hộ nuôi nhỏ lẻ, không được chăm sóc hợp lý nên thể vóc của chúng rất nhỏ. Chúng có ngoại hình vuông đứng, chưa cân đối, cao vây thấp hơn cao khum một chút, bụng to, ngực lép. Toàn thân ngựa từ lông mình, bờm, lông đuôi, từ màu mắt đến móng chân đều trắng hoặc trắng hồng, tai ngựa nhỏ và cuộn tròn rất xinh, toàn thân ngựa da có màu trắng hồng hoặc trắng mây, da ngựa trắng hồng hay hồng nhuận, xung quanh viền mắt màu hồng, có màu đồng thau, con ngươi có màu đỏ hồng, ban đêm soi đèn có màu đỏ rực, 2 mắt có màu trắng mây hoặc trắng cùi nhãn, xung quanh vành mắt có một vành màu đồng lửa bao con ngươi. Cả bốn móng có màu trắng ngà, các lỗ tự nhiên như bộ phận như mũi, miệng, bộ phận sinh dục đều có màu hồng nhuận[7][8].

Đặc điểm màu sắc ngựa bạch cũng dễ bị nhầm lẫn với màu sắc hai loại ngựa là ngựa màu xám trắng (do gen G quy định), ngựa này khác với ngựa bạch là ở quanh miệng, mũi, mắt có màu đen. Ngựa có màu trắng sữa, khác ngựa bạch là chúng có màu mắt xanh và màu lông, da vẫn tồn tại màu vàng nhạt, mầu này dễ nhầm với mầu trắng. Trên 90% ngựa bạch có thể chất thanh săn. Màu sắc lông da trên 90% ngựa có màu trắng ánh vàng và trắng tuyền. Tuy nhiên, ngựa bạch đực có màu trắng ánh vàng cao hơn ở ngựa bạch cái[9] Để phân biệt giữa ngựa bạch và ngựa trắng thường (ngựa kim) khá đơn giản. Ngựa bạch khác ngựa trắng thường ở chỗ tất cả chín lỗ đều màu trắng hồng đồng thau trong khi ngựa trắng thường thì vành mắt đen, hai mắt có mầu trắng mây, xung quanh con ngươi có một vành mầu đồng lửa, các lỗ tự nhiên còn lại đều có mầu hồng đỏ, 4 chân móng trắng ngà, toàn thân màu trắng, da hồng nhuận, lông trắng cước.

Một con ngựa bạch tốt và chuẩn là con ngựa đó cần có mắt thau đồng, móng trắng, môi trắng hồng, không có đốm đen, buổi tối soi trước bóng đèn thì thấy hai mắt ngựa đỏ rực như than lửa. Bộ phận sinh dục, mũi, mõm có màu hồng đỏ, bốn chân có móng sừng, màu cước ánh bạc[10], lông trắng cước, da trắng hồng. Đặc biệt 12 giờ trưa ngựa Bạch có hiện tượng mù mầu trong khoảng 30 phút, thông thường những ngày trời nắng từ 11h30’ đến 13h30’ khi ánh nắng mặt trời gần như vuông góc với mặt đất thì ngựa bạch bị mù màu không phân biệt đường đi.

Một con ngựa khoẻ mạnh phải có vóc dáng cao lớn, lông trắng sáng, mắt hồng, móng hồng và da cũng màu hồng[11], ngựa bạch tốt phải hội tụ đủ các yếu tố như mắt có màu trắng mây, xung quanh con ngươi có vành màu đồng lửa, khi mặt trời đứng bóng mắt bị lòa, thậm chí trong đêm, mắt bắt ánh sáng đèn đỏ như đốm lửa[12], con ngựa đó cần có mắt thau đồng, móng trắng, môi trắng hồng, không có đốm đen, buổi tối soi trước bóng đèn thì thấy hai mắt ngựa đỏ rực như than lửa[4]. Người mua ngựa bạch, ngựa kéo nếu am hiểm thường chọn mua ngựa có khoáy đóng đều, khép kín, không loạn khoáy, kiêng mua những chú ngựa có khoáy xuyên tông, lầu tẩy vì nó sẽ đem lại điều không may mắn, của nả đi sạch cửa nhà[13]

Chúng có vẻ đẹp của con ngựa có màu lông trắng, mắt hồng, da hồng, vóc dáng thanh thoát và đặc biệt rất hiền lành. Ngựa có khả năng làm việc tốt, chịu kham khổ, xương ngựa bạch dùng để nấu cao làm thuốc bồi bổ sức khoẻ. Nếu để ăn thịt thì đừng nên mua ngựa bạch mà hãy tìm mua ngựa thường mà thịt vì giá rất rẻ mà cùng là loài ngựa cả, giống nhau, ngựa bạch là ngựa cảnh, ít phải leo đồi, thồ hàng xương cốt chắc không thể bằng ngựa thồ được. Cùng là loài ngựa, bạch hay thường không khác nhau[14].

Tập tính

Ngựa bạch có tác phong chậm chạp, nó chậm nhưng khỏe. Giống ngựa quý này tính vốn lì hơn ngựa thường nên bao giờ cũng có cái dáng chậm rãi. Tập tính của ngựa bạch chậm hơn ngựa thường nên mới nhìn tưởng chúng yếu sức nhưng thực ra không phải vì chúng đi lì hơn, tập tính cũng hiền hơn, chúng lành tính nên cũng ít xảy ra ẩu đả kể cả mùa động dục[15] Chúng bệnh tật rất ít, thường chỉ mắc các bệnh thông thường như đầy hơi, chướng bụng, hoàn toàn dễ chữa khỏi. Tuy nhiên chúng thích nghi với thời tiết mùa hè kém hơn nhiều so với trâu, bò, ngựa bạch là giống không chịu được trời quá nóng[16]

Ngựa giống mua về chăm sóc khoảng 1 năm là bán được, còn ngựa con chăm sóc 1 năm rưỡi đến 2 năm là bán được, ngựa bạch cứ trung bình khoảng một năm rưỡi sinh một lứa[12]. Tập tính sinh sản của ngựa không lung tung như trâu, bò, chúng không bao giờ phối giống với những con cùng huyết thống, kể cả sau khi bán xa vài năm nó cũng nhận được mặt, mùi của những con cùng chung máu mủ này. Giống ngựa này rất quý chủ, chỉ cần nhìn thấy chủ từ xa hay ngửi mùi mồ hôi quen thuộc là chúng hí, vung vẩy đuôi, rũ rũ bờm, mừng vui ra mặt. Và cũng chỉ có chủ mới có thể đến gần chải bờm, tắm rửa, bứt cỏ non cho chúng ăn nên tuy thả rông người nuôi vẫn yên tâm không sợ mất ngựa[12].

Chế độ ăn

Ngựa bạch Việt Nam có chế độ ăn đa dạng

Ngựa bạch là loài dễ nuôi, không phải lo chuyện ăn uống nhiều, chúng ăn được tất cả các loại cỏ, tuy quý hiếm nhưng cũng rất dễ ăn, chúng ăn tất cả những thứ cây cỏ mà ngựa thường có thể ăn được, bạ cây cỏ gì chúng cũng ăn nhưng đặc biệt là một số loại thảo dược mọc hoang trên núi, thậm chí ăn được cây chuối như lợn, chuối băm trộn lẫn cám. Là loại đại gia súc sống nhiều ở vùng núi nên chăm sóc chắc cũng không khó, cho ngựa ăn đủ thức ăn gồm rau, cỏ, lá ngô kết hợp với thức ăn tinh như cám gạo, cám ngô[11]. Giống ngựa với bộ lông trắng muốt này ít khi bị dịch bệnh, mùa mưa ăn cỏ, mùa khô thiếu thức ăn thì chúng ngốn cả thân ngô hay vỏ đậu xanh mà vẫn chẳng nề hà, chẳng bị bệnh tật[14]

Việc chăm sóc giống ngựa bạch Việt Nam không quá cầu kỳ, chỉ tốn nhiều thời gian, hàng ngày ngựa ăn cỏ lúc 10h và 17h, đến 14h ăn cám. Hầu hết các loại cây cỏ chúng đều ăn được nên khi ở ngoài đồng hay các triền núi chúng tự đi tìm thức ăn, cứ khoảng 5-7 ngày ngựa nhớ nhà thì tự trở về, lúc đó mới cho chúng ăn thêm ít cám hay hèm bia. Chỉ đến lúc sinh sản, để tăng cường sức đề kháng cho ngựa mẹ và ngựa con mới cần bổ sung thêm một số khoáng chất hay thuốc bổ và thuốc sổ giun cho ngựa, giống ngựa bạch thả rông thường rất khỏe mạnh, chẳng mấy khi mắc bệnh[12].

Có ngộ nhận về ngựa bạch như buổi trưa ngựa bị quáng gà chẳng nhìn thấy lối đi nhưng thực tế không chỉ nhìn đường, chúng còn phân biệt rõ khóm cỏ nào non, khóm nào già để vục mõm vào ăn[15] Người nuôi ngựa cũng phải nắm rõ tính cách của từng con., có con hiền lành, có con dữ hơn. Một rổ trấu chỉ dành riêng cho một con ngựa bạch to khỏe nhất đàn. Rổ còn lại thì cho các con khác[14].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Ngựa bạch Việt Nam http://www.baobinhdinh.com.vn/viewer.aspx?macm=6&m... http://cstc.cand.com.vn/The-gioi-di-thuong/Dan-ngu... http://dantri.com.vn/suc-khoe/cao-ngua-bach-khong-... http://congannghean.vn/phong-su/201401/noi-buon-ng... http://daidoanket.vn/PrintPreview.aspx?ID=75438 http://dangcongsan.vn/kinh-te/nuoi-ngua-bach-thoat... http://qlkh.tnu.edu.vn/theme/details/579/nghien-cu... http://wcag.mard.gov.vn/pages/news_detail.aspx?New... http://nongnghiep.vn/nuoi-ngua-bach-o-bac-giang-po... http://thethaovanhoa.vn/%C4%91%E1%BB%9Di-s%E1%BB%9...